Không đâu ở trái đất này làm chương trình-sách giáo khoa như Việt Nam

(GDVN) - "Gần 200 nước đều làm được chương trình - sách giáo khoa, song cách nghĩ cách làm, xin khẳng định không nước nào giống cách làm của Việt Nam từ 1980 đến nay".

Đó là quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa(SGK) phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Một chương trình có 3,4 kiểu viết sách giáo khoa

 

Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, từ con số 34 nghìn tỷ đồng để làm chương trình SGK xuống còn gần 800 tỷ đồng như thế là được rồi.

Tuy nhiên, như đã chia sẻ trước đây trên Báo Giáo dục Việt Nam “Không có tổng chủ biên, sẽ lại ném tiền qua cửa sổ”, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng chúng ta vẫn “đang thiếu nhân vật này, và cơ quan có trách nhiệm chưa có ý định nêu rõ người tổng chỉ huy học thuật”.

Theo đề xuất của GS Nguyễn Xuân Hãn, người tổng chủ biên về mặt học thuật cho đợt đổi mới này phải thấu hiểu được kinh nghiệm của thế hệ trí thức trong ngoài nước làm chương trình và sách chuẩn thế nào? nước nào thành công và nước nào thất bại? và ta sẽ làm như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng chỉ có 3,4 kiểu viết sách giáo khoa. Ảnh:giaoduc.net.vn

Về việc thống nhất một chương trình nhiều bộ SGK, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn cho biết chương trình phải thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12. Dưới góc độ khoa học, ông khẳng định chỉ có 3,4 kiểu trình bày SGK.

Ông chia sẻ: “Trên thế giới, một chương trình chỉ có 3 - 4 kiểu viết SGK khác nhau. Chủ trương xã hội hóa viết SGK theo thiển nghĩ của tôi là xa dời thực tiễn tư duy khoa học và không khác gì phong trào “toàn dân đúc thép” ở Trung Quốc ở thế kỷ trước cho kết quả chỉ được gang”.

Mặt khác, có lúc ở nước ta một chương trình đã viết 3 bộ sách Toán khác nhau, và 2 bộ sách Văn khác nhau cho một đất nước thống nhất. Vì sự rắc rối, sau đó ta lại gộp thành một bộ sách Toán và một bộ sách Văn.

Đến năm 2002, một chương trình, các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn được phân cho hai nhóm để viết 2 bộ SGK khác nhau được lặp lại, nhưng tiêu chí tư tưởng và học thuật mà các bộ sách này lại không rõ, chưa nói không có, nên rắc rối và hỗn loạn trong dạy và học tăng lên bội phần do sao chép của nhau phá hủy tính thống nhất theo chiều dọc và kiến thức vênh nhau theo chiều ngang, làm khổ cả thầy và trò, còn xã hội vào “mê hồn trận” nhân danh sáng tạo.

Bởi thế, khi chúng ta thống nhất chương trình giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12, thì chỉ nên làm vài bộ sách theo các cách trình bày khác nhau, chứ không nên là vô hạn. Ví dụ, có bộ SGK vấn đề được trình bày từ cụ thể đơn giản đến phức tạp và khái quát hóa, còn bộ SGK kia theo tư duy ngược lại từ bắt đầu phức tạp trừu tượng về các kiến thức cụ thể, hoặc có bộ SGK trình bày bản chất vấn từng vấn đề theo lịch sử thời gian.

Tiêu chí tư tưởng và học thuật phải thống nhất theo chiều dọc, ví dụ môn Toán và Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12, các môn khác có thể từ lớp 6  hay lớp 10 đến lớp 12. Nếu nhóm này viết một bộ SGK theo tư tưởng từ cụ thể đên phức tạp, thì nhóm khác phải theo tư tưởng khác mới được viết. Nếu không làm rõ về mặt học thuật thì không được viết.

Sau khi viết xong, xem bộ nào đơn giản nhất, phổ thông nhất thì lấy làm bộ chuẩn, còn các bộ khác làm tham khảo. Thậm chí, chọn bộ khá hơn cho lớp chuyên.

 

Tích hợp còn xa lạ với thầy và trò

 

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn nêu quan điểm: “Thế nào là tích hợp? Tích hợp phần chung khoa học hay tích hợp cách giảng dạy theo một chủ đề nhất định nào đó?  Việc “tích hợp” ở đây xin khẳng định không phải tích hợp kiến thức khoa học chung của các môn học trong các bộ SGK. Hiện nay chưa có SGK như vậy trên thế giới, nếu có chỉ là sách chuyên khảo cho các chuyên gia trình độ rất cao”.

Khảo sát việc ra đề thi “tích hợp” ở bậc THCS tại nước Anh, kết quả còn là một thách thức lớn, chưa nói rất xa với yêu cầu.

Tích hợp ở nước ta còn quá xa lạ với thầy giáo và học sinh nước ta. Chương trình là cốt lõi của nền học, SGK là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học. Kể từ năm 1980 đến nay ta chưa có SGK phù hợp với thực tiễn Việt Nam và theo chuẩn mực quốc tế nên việc ra đề, kiểm tra mới rắc rối và xa với chuẩn mực quốc tế.

GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng: "Trước khi làm chương trình, SGK chúng ta nên tìm hiểu gần 200 nước trên thế giới, họ làm như thế nào, các vị tiền bối trong nước ta trước đây đã làm ra sao để có sự kế thừa và phát triển. Không làm rõ được cách làm khoa học chương trinh – SGK  trong ngoài nước thì đợt đổi mới này khó thành công. Xin lưu ý, gần 200 nước đều làm được chương trình - SGK, song cách nghĩ cách làm, xin khẳng định không nước nào giống cách làm của Việt Nam từ 1980 đến nay".

Nguồn giáo dục viet nam

 

 


Bản đồ