Ngày Trở Về

Alan Phan

14 Oct 2014

go home trust god

(You can’t go home again – Thomas Wolfe)

Một hành trình ngắn hay dài, vất vả hay thoải mái, sâu đậm hay hời hợt…rồi cũng lờ mờ biến dạng trong lớp bụi dầy của ký ức. Nhưng xúc cảm vẫn ghi dấu ấn rõ hơn vào những ngày ra đi và những ngày trở về.

Sau một tuần lang thang từ giã Hong Kong, và Việt Nam trước đó, tôi đáp xuống phi trường Los Angeles vào một buổi chiều nhạt nắng giữa thu. Mát lạnh và chút náo nhiệt trong giờ tan sở. Trong lòng tôi khá nhiều háo hức vì không chỉ là ghé qua thăm gia đình như mọi lần; mà sự quay về California lần này là khởi đầu cho một hành trình mới. Bao nhiêu chuyện phải lên lịch, từ những việc nhỏ như đăng ký thay đổi địa chỉ cho bằng lái xe, thẻ tín dụng…đến các cuộc họp nhân viên và đối tác về những thay đổi trong công việc, kế hoạch và chiến lược. Nhưng trên mọi thứ là cơ hội để tái thiết con người mình trước những thử thách mới, những tình huống khác lạ và bắt kịp những thua kém trong kỹ năng.

Điều mà tôi nói đi nói lại với các bạn trẻ Việt bên kia bờ Thái Bình suốt 8 năm qua…

Trong ngày trở về này, tôi không mang theo nhiều hoang tưởng. Ở tuổi 69, giữ được sức khoẻ để làm việc hữu hiệu ít nhất 6 tiếng mỗi ngày là một cố gắng liên tục. Dù may mắn là bầy trận trong môi trường kinh tế kiến thức không cần nhiều cơ bắp, nhưng sự sáng tạo vẫn năng động hơn với những con người trẻ. Tụt hậu sẽ tiếp diễn nếu không tìm ra một đột phá gì ấn tượng. Nền kinh tế Mỹ thì đa dạng và biến động, quy luật thị trường thì tàn nhẫn và cạnh tranh thì khốc liệt. Không mấy ai thành công nhờ “chém gió” hay “quan hệ” ở đây. Ngay cả bọn “đầy tớ của nhân dân” cũng không được ai quan tâm hay kính nể.

Người Mỹ chung quanh thì thân thiện, tin cậy với nụ cười chào đón. Nhưng đằng sau nụ cười là một thái độ “none of my business” (không phải chuyện của tôi) nếu bạn cần nhờ gì có chút khó khăn. Anh bạn trẻ đón tôi ở phi trường không hay biết gì về biểu tình ở Hong Kong hay tranh chấp Biển Đông hay quan hệ Mỹ-Nga-Trung…anh chỉ huyên thiên về đội bóng Cowboys của anh trong NFL (hội bóng đá bầu dục của Mỹ), hay chuyện hạn hán nước ở California bắt anh chỉ được xài có 200 lít mỗi tháng (nếu quá sẽ bị phạt).

Tựu trung, dù thị trường chứng khoán Mỹ có sụt hơn 350 điểm hai ngày qua, kinh tế Mỹ vẫn hồi phục tốt đẹp và người tiêu dùng đang hồ hởi lên danh sách mua sắm quà cho cuối năm. Doanh nhân trẻ vẫn tự tin lao đầu tìm kiếm hay hoàn thiện những “công nghệ phản động” như đám người phiêu lưu đi tìm vàng ở San Francisco vào những năm 1850’s. Ai nấy đều có những việc phải lo cho mình, kể cả ông già Alan.

Cũng như khắp nơi trên thế giới, người Mỹ hiểu rằng chỉ có mình “cứu mình” hay “hại mình”. Họ không trông chờ vào một phép lạ nào.

Đây là điều làm tôi suy nghĩ về những tư duy của mình vẫn tiềm tàng về Việt Nam. Trong những đêm thao thức ngày xưa, tôi vẫn hay đưa ra những giả thuyết như các đồng môn chém gió khác là …”what if…”. Nếu Mỹ đừng bỏ cuộc năm 75 hay nếu VNCH thắng? Nếu HCM đừng chạy theo CS vào 1919? Nếu Liên Xô không tan rã năm 1989? Gần đây nhất, là nếu Trung Quốc vỡ trận kinh tế và đảng CS bị giải tán? Hay liên minh Nga và Trung Quốc thành hình, gây ra một trận chiến tranh lạnh mới với phe tư bản? Nếu và nếu….

Kể từ ngày trở về, có lẽ tôi sẽ không còn thì giờ để cho ra những giả thuyết về quá khứ. Tôi phải học từ các bạn trẻ Mỹ: điều quan trọng là chúng ta sẽ làm gì cho quãng đời còn lại?  Mọi thứ khác đều là “none of my business”? Dĩ nhiên nếu nhân quyền là một mục tiêu cho đời sống, có lẽ bạn cũng nên quăng hết mọi thứ mà “sống” cho nhân quyền? Nếu phải đi tìm một vùng đất hứa cho mình và gia đình, thì phải nghiên khảo nghiêm túc hơn về cơ hội và rủi ro khi ra biển lớn hay vượt biên.  Lên kế hoạch và bắt tay hành động dường như là lựa chọn duy nhất.

Các quan chức có lẽ cũng nên quên những cảm xúc nhất thời, mà chăm chú vào việc…giữ ghế, đớp hít, thu tóm của cải, rửa tiền…cho hậu sự và con cháu? Các con lừa nên đắm mình vào …cướp hiếp giết, nhậu nhẹt, bóng đá, cà phê, phim Tàu và thần tượng Hàn… để xứng đáng với cái hạnh phúc Bác và Đảng đã ban cho suốt 80 năm qua?

Có phải ngày trở về cũng là ngày ra đi?

Tiến sỹ Alan Phan

Bản đồ